Muốn triệu chứng của bệnh giảm nhanh chóng, những người bị dị ứng không nên đưa những thực phẩm dưới đây vào chế độ ăn uống của mình.
Với người bị dị ứng thông thường
– Trong giai đoạn cấp tính, cần giảm ăn đường và muối vì đường trong máu tăng cao sẽ gây ra hiện tượng quá mẫn (dị ứng). Còn lượng muối nhiều sẽ gây kích ứng thần kinh ngoại biên.
– Kiêng những thức ăn gây kích thích như rượu, trà, cà phê, thuốc lá, tiêu, ớt.
– Trường hợp đang phù nề, rịn nước thì giảm thức ăn có nhiều nước như canh, súp và uống ít nước.
– Kiêng những thức ăn có nhiều đạm như tôm, cua, bò, gà, đồ hộp, lạp xưởng, chocolate, trứng, sữa…
Những thực phẩm người bị bệnh mề đay cần tránh
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Lê (Báo Sức khỏe và đời sống), trước hết, người có bệnh mề đay cần biết phân biệt bệnh cấp tính và bệnh mạn tính để kiêng kỵ thực phẩm.
Khi chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh cấp tính, cần phải tuyệt đối kiêng kỵ một số loại thức ăn, nhất là các loại hải sản, các loại thịt như ngan, dê, bò, thủ lợn cùng nấm ăn, nấm hương, tỏi, hành tây, hẹ, ớt, dưa chuột, rau châm kim, thảo quả, rau trộn giấm, ngân hạnh, hạt dẻ, tương lạc, rượu, các thứ gia vị (giấm, hạt tiêu, hoa tiêu, hồi hương).
Đối với trường hợp mề đay mạn tính rất khó xác định những thức ăn nào dẫn tới dị ứng, bởi vì có một số thức ăn như sữa bò, đại mạch, kiều mạch, ngô, thịt bò, khoai tây, nhộng tằm, thường phản ứng chậm sau khi ăn 24 giờ mới phát ra.
Cho nên phương pháp cuối cùng để quyết định kiêng kỵ trong ăn uống là loại trừ dần, nghĩa là đang ăn các thứ thanh đạm được phép ăn, thì cho xen vào một loại nhạy cảm nào đó, rồi thử lần lượt những thức ăn nhạy cảm. Theo dõi phản ứng để xác định thức ăn nào gây dị ứng, sau đó cứ theo đó mà kiêng kỵ.
Đối với người bị bệnh mề đay dạng ruột, ngoài việc kiêng kỵ những đồ ăn đã nói trên, trong thời gian phát bệnh còn phải kiêng kỵ nghiêm ngặt các loại đồ ăn thô, các đồ ăn không tiêu hóa như các loại rau có hàm lượng chất xơ cao (như hẹ, rau thơm, măng, dưa muối) nếu không dễ gây tổn thương niêm mạc ruột, dạ dày, đồng thời phát thêm những bệnh nghiêm trọng.
Mặt khác còn cấm uống rượu để tránh phù nước niêm mạc và sung huyết nặng thêm.
Người bị dị ứng thời tiết nên kiêng gì?
Một số loại hạt và trái cây tươi: không phải tất cả những loại trái cây đều làm tình trạng dị ứng trầm trọng thêm nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại quả như táo, kiwi… làm bệnh lý dị ứng bộc phát mạnh mẽ hơn. Còn một số loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt phỉ… cũng cần gạch tên khỏi thực đơn.
Một số loại hải sản, thức ăn giàu đạm: Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta loại bỏ hoàn toàn đạm ra khỏi khẩu phần ăn. Hải sản thường chứa những loại protein lạ khiến triệu chứng bệnh dị ứng thời tiết có nhiều biến đổi tiêu cực.
Cụ thể chúng có thể khiến bệnh nhân bị sưng phù toàn thân nặng hơn, bị nổi đỏ trên toàn thân hay bị khó thở,… Các loại thực phẩm như trứng, bơ, sữa… cũng nên cẩn thận khi sử dụng. Chúng tuy rất bổ dưỡng nhưng lại dễ gây kích ứng.
Đối với trẻ em bị dị ứng thời tiết, theo bác sĩ Vũ Thu Dung (Báo Sức khỏe và đời sống), cần kiêng kỵ thực phẩm giàu protein, đặc biệt là sữa. Không ăn các thực phẩm béo, cay, nóng và thủy sản trong giai đoạn cấp tính và mạn tính vì các thực phẩm này sẽ làm bệnh nặng hơn.
Người mẹ cũng phải kiêng các thực phẩm này và kiêng thêm thức ăn có tính kích thích, chua, khó tiêu. Không được ăn thức ăn nguội lạnh vì thức nguội lạnh dễ tổn thương tì vị và hàn thấp, từ đó máu lưu thông không tốt, các tà khí như phong, hàn, thấp nhiệt dễ “nổi loạn” trên da và thịt, phát thành bệnh